CÁC LOẠI PHÂN BÓN HỮU CƠ PHỔ BIẾN
Trong canh tác nông nghiệp hữu cơ, phân bón hữu cơ đóng vai trò quan trọng, cung cấp các chất dinh dưỡng cần thiết, giúp cây rau phát triển khỏe mạnh, tăng sản lượng và chất lượng. Vậy phân bón hữu cơ là gì, có gì đặc biệt hơn phân bón thông thường?
Phân hữu cơ là gì?
Là những loại phân bón có chứa các chất dinh dưỡng đa, trung, vi lượng ở dưới dạng những hợp chất hữu cơ, được dùng trong sản xuất nông nghiệp, có nguồn gốc, được hình thành từ phân, chất thải gia súc, gia cầm, tàn dư thân, lá cây, phụ phẩm từ sản xuất nông nghiệp, than bùn hoặc các chất hữu cơ từ chất thải sinh hoạt, nhà bếp, từ các nhà máy sản xuất thủy, hải sản,…
Công dụng của phân hữu cơ
Cung cấp chất dinh dưỡng cho cây trồng
Trong các loại phân hữu cơ đều chứa đầy đủ các chất dinh dưỡng đa, trung, vi lượng cần thiết cho cây trồng. Trong đó, các nguyên tố trung lượng và vi lượng ở dạng dễ hấp thu giúp cây trồng phát triển cân đối. Trong phân các chất dinh dưỡng sẽ được phân giải từ từ để có thể cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng trong thời gian dài nhằm đảm bảo đáp ứng được nhu cầu dinh dưỡng của cây trồng, tránh tình trạng dư thừa đạm.
Khi bón xuống đất phân hữu cơ phân hủy thành các chất mùn chứa các loại axit hữu cơ: axit humic, axit fulvic… kích thích sự phát triển của rễ cây, giúp rễ cây dễ hấp thụ các chất dinh dưỡng. Trong trường hợp các chất axit này được phun lên lá cũng sẽ giúp tăng cường quá trình quang hợp của cây trồng.
Bảo vệ môi trường
Không giống như phân bón vô cơ chứa các hóa chất độc hại, khó phân hủy ở môi trường tự nhiên thì phân bón hữu cơ có thể phân hủy hết trong điều kiện tự nhiên. Phân bón hữu cơ làm tăng kết cấu của đất, giúp đất trở thành một bộ máy lọc thông minh, lọc các chất độc có trong đất, nước rồi từ từ phân hủy hoặc làm giảm tính độc của chúng, giúp bảo vệ môi trường, an toàn cho con người.
Tạo môi trường sống cho vi sinh vật
Phân bón hữu cơ cung cấp nguồn dinh dưỡng đa trung vi lượng cho đất, tăng cường hoạt động của các vi sinh vật có trong đất, giúp bộ rễ phát triển thuận lợi, tăng hiệu lực hấp thụ chất dinh dưỡng của cây.
Tăng năng suất cây trồng
Việc sử dụng phân hữu cơ sẽ giúp nâng cao chất lượng nông sản. Sản phẩm sử dụng phân hữu cơ sau khi chế biến sẽ không gặp tình trạng tồn dư các yếu tố độc hại với con người như sử dụng các loại phân bón vô cơ. Đồng thời, phân bón hữu cơ giúp chất lượng nông sản được cải thiện về màu sắc, mùi vị và cải thiện rõ rệt nhất là về độ an toàn cho sản phẩm.
Cải tạo đất
Phân bón hữu cơ có công dụng rất tốt trong việc cải tạo đất trồng, đặc biệt đối với đất cát, đất bạc màu. Phân hữu cơ tác động mạnh đến cấu trúc đất, cải thiện các tính chất lý, hóa, sinh học của đất ngày càng trở nên tốt hơn. Chính vì thế tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ là cách quan trọng để cải tạo đất sản xuất nông nghiệp.
Các loại phân bón hữu cơ
Phân hữu cơ được chia làm 2 loại là phân hữu cơ truyền thống và phân hữu cơ công nghiệp
Phân hữu cơ truyền thống
- Phân chuồng: Có nguồn gốc từ phân, nước tiểu động vật như gia súc, gia cầm, phân bắc… sử dụng phương pháp ủ truyền thống
- Phân xanh: Có nguồn gốc từ thân và lá cây tươi, được chế biến bằng phương pháp ủ hoặc vùi trong đất để bói cho đất và cây trồng
- Phân rác: Sử dụng phương pháp truyền thống để ủ rơm rạ, lá, thân cây từ sản xuất nông nghiệp
- Phân bùn: Phân bùn không được bón trực tiếp mà cần chế biến trước khi bón cho cây trồng
Phân hữu cơ công nghiệp
- Phân bón vi sinh: Trong thành phần chứa nhiều loại vi sinh vật hữu ích thuộc nhiều nhóm như phân sinh vật phân giải hữu cơ, vi sinh vật ký sinh, vi sinh vật cố định đạm, vi sinh vật đối kháng,…
- Phân bón hữu cơ sinh học: Loại phần bón này chế biến từ các loại hữu cơ được xử lý và pha trộn bằng cách lên men với nhiều loại vi sinh vật có lợi để cân bằng và cung cấp các chất dinh dưỡng cần thiết cho cây
- Phân bón hữu cơ vi sinh: Phân bón được chế biến theo quy trình công nghệ với nhiều nguồn nguyên liệu hữu cơ khác nhau, được lên men với một hay nhiều chủng vi sinh vật có lợi
- Phân bón hữu cơ khoáng: Là loại phân bón phân hữu cơ có trộn thêm các nguyên tố khoáng vô cơ gồm N,P,K