ĐẶC TRƯNG CỦA VƯỜN RAU HỮU CƠ
Nền nông nghiệp hữu cơ đang ngày càng khẳng định được vị trí của mình. Người tiêu dùng hiện nay có xu hướng ưu tiên chọn lựa các sản phẩm hữu cơ để đảm bảo sức khỏe, từ đó giúp phát triển mạnh mẹ các mô hình vườn rau hữu cơ. Vậy vườn rau hữu cơ có gì khác so với vườn rau thường để có chất lượng khác biệt?
1/ Phân bón có nguồn gốc hữu cơ
Canh tác rau hữu cơ là sử dụng phân bón hữu cơ thay thế phân vô cơ. Phân bón hữu cơ bao gồm các hợp chất có gốc cac-bon, là nhân tố góp phần tăng khả năng sinh trưởng và năng suất cây trồng. Phân bón có nguồn gốc hữu cơ như phân gia cầm, gia súc, phân xanh,… có tác dụng cải tạo đất và nâng cao độ phì đất.
Với mục đích đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, phân bón hữu cơ không bao gồm các chất độc hại và có thể sản xuất rau sạch mà không mang nguy cơ cao dẫn đến ung thư, đột quỵ hay rối loạn da như phân bón hóa học có thể gây ra. Hơn nữa phân bón hữu cơ là nhân tố chính giúp duy trì và cải thiện cấu trúc đất. Các trang trại rau hữu cơ sản xuất lâu dài có thể tiết kiệm được lượng lớn phân bón bởi vì vùng đất đó đã giàu chất dinh dưỡng.
2/ Thường xuyên xen canh và luân canh các loại cây trồng
Xen canh là hình thức canh tác mà nhiều loại cây được trồng xen kẽ trong cùng một ruộng và cùng mùa vụ. Trong trang trại rau hữu cơ, thực hiện xen canh là cần thiết bởi nhiều lợi ích khác nhau. Xen canh cho phép ứng dụng đa dạng cơ cấu cây trồng nên việc kiểm soát dịch hại trở nên dễ dàng. Mỗi loại sâu bệnh chỉ có thể gây hại trên một số loại cây trồng đặc hiệu. Khi hai hoặc nhiều cây được trồng trên một ruộng, nguy cơ lây lan dịch sâu bệnh hại được giảm thiểu.
Hơn nữa, xen canh có thể chống xói mòn đất. Nhiều loại cây trồng khác nhau có bộ rễ khác nhau và sự hấp thụ dinh dưỡng khác nhau. Xen canh giúp trang trại rau hữu cơ duy trì tiềm năng cung cấp dinh dưỡng của đất và phân bố nhu cầu nước, ánh sáng cho cây hiệu quả hơn. Trong khi đó luân canh là hình thức trồng luân phiên các loại cây trồng khác nhau trên cùng một diện tích. Sự thay đổi cây trồng qua từng mùa vụ hạn chế sự lưu truyền bệnh trong đất và nguy cơ phát triển dịch hại so với canh tác độc canh một loại rau nào đó.
3/ Quản lý dịch hại bằng phương pháp sinh học, cơ khí và vật lý
Trong nông nghiệp, dịch hại là khi bất kỳ sinh vật nào khác xâm nhập vào ruộng đồng với số lượng đáng báo động. Dịch hại có thể gây ra bởi sâu hại, nấm, vi sinh vật gây hại, cỏ dại (thực vật khác loài cây trồng chính) hay động vật. Đối với trang trại rau hữu cơ, các loại thuốc phòng trừ sâu bệnh tổng hợp mang tính chất vô cơ không được sử dụng. Vì vậy các biện pháp dùng các loại thuốc trừ sâu sinh học, cơ khí và vật lý được áp dụng tối đa.
Phương pháp sinh học là tạo môi trường tự nhiên mà các loài thiên địch có thể phát triển tốt để kiểm soát sự tấn công của sinh vật gây hại. Các trang trại rau hữu cơ thường nuôi thả thiên địch nhóm bắt mồi, kí sinh và vi sinh vật để phòng trừ sâu bệnh hại. Các biện pháp cơ giới như cày, bừa hoặc phơi ải rất có hiệu quả trong việc loại bỏ cỏ dại và chỗ ẩn nấp của nhiều ấu trùng, trứng sâu và mầm bệnh.